IPO Vietnam Airlines: khó nhất là nhà đầu tư chiến lược

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014
22.300 đồng/cổ phần là mức giá dự kiến mà Vietnam Airlines dự kiến bán ra cho cổ đông khi thực hiện IPO vào cuối năm nay theo kế hoạch.


Mức giá và việc đấu giá 25% vốn điều lệ có thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Chờ xin cơ chế

Cách thức tiến hành IPO Vietnam Airlines là giữ nguyên phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Tại thời điểm 31-3-2013, khi chốt sổ sách kế toán để xác định giá trị doanh nghiệp, Vietnam Airlines có giá trị thực tế theo sổ sách là hơn 57.000 tỉ đồng. Trong đó, phần vốn nhà nước thực tế tại đây là hơn 10.000 tỉ đồng. Vietnam Airlines sẽ phát hành cổ phần lần đầu với số vốn điều lệ là 14.101 tỉ đồng, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% và bán ra ngoài 25%, trong đó 20% dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Có hai vấn đề gây thắc mắc trong dư luận mấy ngày gần đây. Thứ nhất là việc Vietnam Airlines đề xuất giữ lại toàn bộ phần thặng dư vốn phát hành thêm sau cổ phần hóa để bổ sung vốn mua máy bay. Thứ hai là sau cổ phần hóa, Chính phủ tiếp tục cho Vietnam Airlines được thực hiện một số cơ chế ưu đãi như bảo lãnh miễn phí 100% vốn khi mua máy bay và cho phép miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp khi vay tín dụng xuất khẩu và vay vốn hỗn hợp có bảo lãnh để tiếp tục mua máy bay như đã từng được Chính phủ cho phép trong thời điểm 2011-2015. Bộ Giao Thông Vận tải (GTVT) cũng đã trình những đề xuất này lên Thủ tướng, chờ phê duyệt.

Thực ra đề xuất về việc giữ lại thặng dư vốn sau khi cổ phần hóa không phải là một ngoại lệ do Vietnam Airlines khởi xướng. Với ngành nghề kinh doanh hàng không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhất là đầu tư mua máy bay, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm phần vốn chi phối lớn có thể đưa đề xuất này.

Quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 196/2011 cũng cho phép. Theo đó, đối với trường hợp giữ nguyên phần vốn nhà nước, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn thì số tiền thu được từ cổ phần hóa có thể được để lại doanh nghiệp phần giá trị tương ứng với số cổ phần phát hành thêm tính theo mệnh giá, sau khi trừ đi chi phí và hỗ trợ giải quyết chính sách cho người lao động.

Giả sử Vietnam Airlines bán hết được số cổ phần qua đấu giá công khai cho người lao động và thậm chí bán hết được cả 20% số cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (tuy chưa có gì đảm bảo về chuyện này) thì số tiền dự kiến thu từ cổ phần hóa ước tính khoảng 7.754 tỉ đồng và thặng dư bán cổ phần phát hành thêm khoảng 4.172 tỉ đồng.

Thông thường, 75% số tiền thặng dư sẽ phải nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và 25% khoảng 1.043 tỉ đồng được để lại tổng công ty. Tuy nhiên, do Vietnam Airlines đề xuất giữ lại cả 4.172 tỉ đồng nên họ dự định sẽ mở tài khoản phong tỏa phần thặng dư và hạch toán ghi sổ coi đây là khoản nợ nhà nước chưa trả. Khi tăng vốn để đầu tư mua máy bay, khoản này sẽ được chuyển thành vốn góp của cổ đông nhà nước nhằm tăng vốn điều lệ. Nếu Chính phủ cho phép thì đến thời điểm đó, tỷ lệ cổ phần nhà nước tại đây sẽ lại cao hơn.

Vướng nhất hiện nay là Bộ GTVT và Vietnam Airlines cùng đề xuất cho phép tổng công ty sau IPO tiếp tục được thực hiện cơ chế Chính phủ bảo lãnh miễn phí vốn vay mua máy bay và miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp đối với các khoản vay xuất khẩu và vay hỗn hợp để đầu tư dự án mua máy bay A350 và B787 theo kế hoạch phát triển đội bay đến năm 2020.

Năm 2013, tại Nghị quyết số 83, Chính phủ đã đồng ý cho Vietnam Airlines hưởng ưu đãi này trong thời hạn từ 2011-2015. Vấn đề là nó sẽ chỉ được thực hiện khi Vietnam Airlines là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, không rõ việc này có được tiếp tục duy trì hay không. Nếu không được, sẽ khó cho kế hoạch phát triển đội bay của Vietnam Airlines đến năm 2020. Do vốn vay để đầu tư ba máy bay A321, 10 máy bay A350 và tám máy bay B787 là rất lớn. Nếu vay thông thường, thời hạn ngắn, lãi suất cao thì Vietnam Airlines khó mà cạnh tranh được trên thị trường hàng không quốc tế.

Đối tác chiến lược: phải đợi IPO xong

Một lãnh đạo của Bộ GTVT nói với TBKTSG rằng, việc IPO Vietnam Airlines là một tất yếu không thể trì hoãn nhưng trong điều kiện thị trường khó khăn hiện nay, việc bán hết 25% vốn điều lệ ra ngoài cũng là một thách thức. Do vậy, bộ đã tính đến trường hợp không bán hết thì sẽ điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ trước khi Vietnam Airlines tiến hành họp đại hội đồng cổ đông lần một. Hơn nữa, để bán được 20% cổ phần (khoảng gần 6.300 tỉ đồng) cho các nhà đầu tư chiến lược cũng rất khó vì đây là khoản đầu tư lớn, lại rót vào doanh nghiệp mà vốn nhà nước còn chi phối lớn và các chính sách cho Vietnam Airlines sau IPO hiện cũng chưa có quyết định cuối cùng.

Chính Vietnam Airlines cũng e ngại rằng, với lộ trình đề ra hiện nay, có thể việc chào bán cho nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa hoàn tất sau IPO. Đến nay, Vietnam Airlines mới xây dựng xong các nguyên tắc chung, cơ bản cho bộ tiêu chí lựa chọn đối tác. Việc chọn nhà đầu tư tài chính có năng lực tốt và cam kết đầu tư dài hạn cũng khó như tiêu chí nếu nhà đầu tư là hãng hàng không thì phải có nhiều tương đồng về lợi ích trong kinh doanh và văn hóa quản trị công ty. Do vậy, các đối tác nước ngoài đến nay vẫn còn là ẩn số.


Nguồn thesaigontimes
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments