Những chính sách mới có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2014
Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014
Doanh nghiệp sẽ giảm được hơn 200 giờ khai, tính thuế; Không nhập khẩu máy móc cũ đã sử dụng quá 5 năm; Bán bảo hiểm qua ngân hàng…
Doanh nghiệp sẽ giảm được hơn 200 giờ khai, tính thuế
Đây là một trong nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung quy định để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế. Theo đó, Thông tư đã bỏ quy định khai và tính thuế GTGT đối với hàng hóa, bán sản phẩm tiếp tục quá trình SXKD; Bỏ quy định khai và tính thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu bị trả lại phải nhập khẩu trở lại.
Bên cạnh đó, Thông tư 119 còn bỏ mức 1 tỷ đồng về điều kiện tài sản, máy móc, thiết bị đầu tư, mua sắm đối với DN mới thành lập để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Bỏ điều kiện hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong điều kiện hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (cơ sở kinh doanh sử dụng ngay hóa đơn thương mại trong hồ sơ hải quan)...
Thực hiện những quy định này, doanh nghiệp sẽ giảm được 201,5 giờ khai, tính thuế. Quy định trên có hiệu lực từ ngày 1-9-2014
Không nhập khẩu máy móc cũ đã sử dụng quá 5 năm
Đây là một trong quy định đáng chú ý của Thông tư 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có hiệu lực. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1-9, nhiều loại máy móc cũ nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được siết chặt hơn nữa. Cụ thể, các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 3 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên, bao gồm: máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; máy móc, thiết bị sử dụng trong ngành bia, rượu, nước giải khát có cồn và không cồn....
Quy định chung đối với các máy móc được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 5 năm và có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.
Hà Nội ban hành mức thu lệ phí địa chính mới
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 60/2014/QĐ-UBND về việc thu lệ phí địa chính trên địa bàn thành phố. Theo đó từ ngày 1-9-2014 miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn.
Tuy nhiên, trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và các phường nội thành thuộc thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh được cấp giấy chứng nhận ở nông thôn thì không được miễn lệ phí.
Ngoài ra, Quyết định cũng quy định, trong năm 2014, đơn vị được thu phí phải nộp ngân sách 90%, được giữ lại 10% tổng số lệ phí thu được. Kể từ 1-1-2015 đơn phị thu phí phải nộp ngân sách nhà nước 100% số lệ phí thu được, các chi phí liên quan đến công tác thu phí sẽ được cấp theo dự toán được duyệt hàng năm.
Từ 1/9, Thông tư bán bảo hiểm qua ngân hàng có hiệu lực
Từ ngày 1/9/2014, Thông tư liên tịch số 84/2014/TTLT-BTC-NHNNVN của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, trong vai trò là đại lý, ngân hàng sẽ thực hiện các hoạt động giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thực hiện tư vấn; chào bán bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; thu phí bảo hiểm (thu hộ các khoản phí bảo hiểm từ khách hàng và chuyển lại cho DNBH theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm); thu xếp giải quyết trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các hoạt động, nghĩa vụ khác.
Về nguyên tắc, hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng không được đồng thời làm đại lý cho DNBH khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của DNBH mà mình đang làm đại lý; không được tác động để khách hàng mua bảo hiểm cung cấp sai lệch hoặc không cung cấp các thông tin cần thiết cho DNBH nhân thọ; không được xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực dưới mọi hình thức.
Nhân viên ngân hàng trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm được quản lý theo hệ thống đại lý bảo hiểm chung của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Nguồn Infonet
All comments [ 0 ]
Your comments