2014 - Thời điểm thuận lợi cho phát hành trái phiếu quốc tế hoán đổi?

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Kinh tế vĩ mô cải thiện, xếp hạng tín dụng tăng, CDS giảm... là những tiền đề thuận lợi để đợt phát hành trái phiếu quốc tế Việt Nam thuận lợi.
Ngày 4/9, Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2014 cho biết Chính phủ đã đồng ý thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết về việc phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để tổ chức thực hiện.

Như vậy, đây sẽ là lần thứ 3 trái phiếu quốc tế của Chính phủ được phát hành trên thị trường thế giới. Mục đích của lần phát hành này là để hoán đổi trái phiếu kỳ hạn 10 năm phát hành năm 2005 và 2010 của Chính phủ.

Lịch sử phát hành trái phiếu quốc tế Việt Nam

Tháng 10/2005, Chính phủ Việt Nam đã phát hành 750 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm trên thị trường chứng khoán New York. Khi đó, Tạp chí Tài chính quốc tế và các nhà đầu tư khu vực châu Á đã đánh giá đây là trái phiếu phát hành thành công nhất năm 2005.

Khối lượng đặt mua lên tới 4,5 tỷ USD, gấp 6 lần con số chào bán 750 triệu USD với lãi suất coupon là 6,875% và lãi suất thực tế 7,125%, thấp hơn mức lãi suất các nước tương đương như Philippines 8,09% và Indonesia 7,75% tại thời điểm đó.

Trong số trái phiếu phát hành, các quỹ đầu tư tài chính nắm 51%, ngân hàng nắm 25%, các công ty bảo hiểm nắm 17% và các tổ chức khác nắm 7% còn lại. Tính theo châu lục thì châu Á nắm 38%, châu Âu nắm 31% và châu Mỹ nắm 30%.

Lần phát hành trái phiếu quốc tế thứ hai diễn ra năm 2010 với 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 1 năm. Lãi suất coupon của trái phiếu này là 6,75%/năm, theo đó lợi suất là 6,95%, cao hơn mức lợi suất của Indonesia và Phillippines phát hành gần đó đến 1%/năm, mặc dù tại thời điểm đó định mức tín nhiệm của Việt Nam cao hơn cả Indonesia và Phillippines một bậc.

Trái phiếu phát hành năm 2010 được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore và đáo hạn vào ngày 29/1/2020. Khoản tiền huy động được từ đợt phát hành trái phiếu quốc tế năm 2010 được phân bổ 30% cho Vinashin và 70% dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Số tiền thu về từ đợt phát hành trái phiếu năm 2005 tương đương 6,8% thu ngân sách năm đó, trong khi năm 2010 là 1,5%.

Thời điểm tốt để Việt Nam phát hành trái phiếu hoán đổi?

2014 có thể xem là thời điểm thuận lợi để Việt Nam phát hành trái phiếu hoán đổi khi cuối tháng 7, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã lần đầu tiên nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam kể từ năm 2005 lên B1 với triển vọng ổn định.

Theo Moody's, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định năm thứ 3 liên tiếp. Mặc dù kể từ năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với thập kỷ trước, song tình hình kinh tế vẫn ổn định, thể hiện ở sự ổn định về giá cả. Tăng trưởng GDP thực tế từ 2012 đến giữa năm 2014 trung bình đạt 5,3%, thấp hơn so với mức 6,8% giai đoạn 2002 – 2011. Lạm phát cũng được kiểm soát dưới 7,5% trong 26 tháng liên tiếp tính đến tháng 7/204, thời kỳ dài nhất kể từ năm 2000.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 năm qua của Việt Nam chậm lại nhưng vẫn tương đối mạnh so với các nước có cùng xếp hạng, Moody's nhận định.

Hai hãng xếp hạng hàng đầu thế giới cũng đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. S&P xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức BB- cũng với triển vọng ổn định. Trong khi Fitch xếp Việt Nam ở mức B+ với triển vọng tích cực.


Nguồn: VPBS

Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Việt Nam cũng tiếp tục theo chiều hướng giảm nhờ các chỉ số vĩ mô tích cực gần đây. Mức phí bảo hiểm rủi ro của Việt Nam trong tuần kết thúc ngày 4/9 giảm, theo VPBS. Ngày 29/8, CDS giảm 10 điểm so với mức đóng cửa tuần trước đó và đạt 190,32 điểm.

CDS (Credit Default Swap) bản chất là một hợp đồng bảo hiểm rủi ro đối tác cho một công cụ tài chính, nghĩa là rủi ro khi nhà phát hành công cụ đó bị phá sản. CDS giảm chứng tỏ sức khỏe của tài sản được bảo hiểm đã tốt lên và khả năng vỡ nợ thấp xuống.

Một yếu tố khác có thể xem là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế trong năm nay là việc mức chênh lệch lãi suất trái phiếu bằng USD của Chính phủ Việt Nam với Trái phiếu Kho bạc Mỹ đang ở dưới 250 điểm cơ bản, thấp nhất kể từ 2008.

Nguồn: Gafin

Phương án phát hành trái phiếu hoán đổi

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Việt Nam có thể giảm bớt gánh nặng hoàn trả nợ trái phiếu quốc tế phát hành năm 2005 và 2010 bằng cách phát hành 750 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Trong đó, 450 triệu USD dùng để hoán đổi cho số trái phiếu đáo hạn năm 2016 và 300 triệu USD hoán đổi cho số trái phiếu đáo hạn năm 2020.

Như vậy, theo phương án này, số trái phiếu đến hạn năm 2016 còn lại 300 triệu USD, năm 2020 là 700 triệu USD và năm 2024 là 750 triệu USD.


Nguồn: WB

Chuyên gia của WB cho rằng, phương án hoán đổi này có lợi cho Việt Nam bởi việc kéo dài thời hạn trái phiếu quốc tế hiện nay chỉ gây khó khăn cho việc phân bổ ngân sách để trả nợ gốc vào năm 2016, trong khi tỷ lệ nợ công hiện giờ sẽ không chịu ảnh hưởng gì.

Đồng thời, phương án phát hành này cũng tạo ra một điểm chuẩn thấp mới cho đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ, khi gói nới lỏng định lượng của Mỹ đang dần kết thúc.

Mức lợi suất cho trái phiếu phát hành mới cũng được kỳ vọng thấp hơn mức lãi suất vay của các dự án được bảo lãnh vay nước ngoài (8%/năm). Theo TS. Lê Hồng Giang, một blogger kinh tế nổi tiếng, với lợi suất trái phiếu bằng USD của Việt Nam khoảng 6,75% hiện nay, Chính phủ Việt Nam sẽ có lợi cả về dòng tiền lẫn lợi suất khi đảo nợ cho số trái phiếu phát hành năm 2005 có lợi suất 7,125% sắp đáo hạn.

Việc phát hành trái phiếu hoán đổi này theo WB cũng sẽ tăng cơ hội nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam bởi động thái quản lý nợ chủ động. Cũng như mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường vốn với chi phí thấp hơn.
Nguồn Theo DVO
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments