TS. Nguyễn Đức Thành: Việt Nam có 4 lựa chọn để xử lý nợ xấu hiện nay

09:01 |

Các giải pháp được TS. Nguyễn Đức Thành đưa ra có thể cần trộn lẫn để đưa ra một gói giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề nợ xấu hiện nay.
Tại buổi Tọa đàm Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức ngày 9/9, TS. Nguyễn Đức Thành đã trình bày một số ý kiến về việc xử lý nợ xấu.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, câu chuyện tranh luận hiện nay là dùng nguồn lực nào để xử lý nợ xấu. Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cũng chỉ là một giải pháp tình huống cấp bách khi thiếu nguồn lực để giải quyết nợ xấu.

Đến thời điểm này, theo quan sát của TS. Nguyễn Đức Thành thì Việt Nam có 4 lựa chọn, có thể dùng riêng hoặc dùng lẫn.

Thứ nhất là bơm tiền vào hệ thống từ ngân sách công, tuy nhiên Chính phủ hiện không còn ngân sách nữa bởi hiện thâm hụt ngân sách đã tới 5%/năm và trần nợ công tới 65% GDP đến 2020. Theo một tính toán khác, để làm được điều này, Việt Nam cần duy trì thâm hụt ngân sách 4%/năm từ nay đến 2020, nếu vượt thì sẽ vượt trần nợ công. Nếu không muốn thâm hụt ngân sách hơn 4%/năm thì sẽ không thể bơm nguồn tiền lớn cho hệ thống ngân hàng. Một nguồn lực khả thi trong giải pháp là khoảng 5 tỷ USD từ nguồn thu bán các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra mạnh từ năm 2014.

Một giải pháp khác là NHNN tự xoay sở để có nguồn tiền bơm vào hệ thống. Quá trình này có thể đi liền với quá trình quốc hữu hóa tạm thời hoặc yêu cầu sáp nhập một số ngân hàng kém lành mạnh. Sau đó, khi kinh tế phục hồi, giá tài sản tăng trở lại thì NHNN có thể bán lại phần tài sản đã được quốc hữu hóa.

Giải pháp thứ 3 được TS.Nguyễn Đức Thành nhắc tới là thay đổi mạnh mẽ các quy định pháp luật liên quan đến phát mãi, mua bán tài sản thế chấp hoặc công trình, dự án liên quan đến các khoản nợ xấu. Trao thêm những đặc quyền đặc biệt cho VAMC để công ty này có thể thực hiện việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại.

Giải pháp cuối cùng -mà ông Thành cho rằng cả Chính phủ và người dân đều không muốn lựa chọn - là vay một khoản tiền thích hợp từ các tổ chức tài chính quốc tế và phối hợp với họ trong việc giám sát quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các khía cạnh có liên quan của nền kinh tế. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, có 3 nhóm có khả năng tham gia vào quá trình này là các tổ chức quốc tế truyền thống như IMF, các nhà đầu tư Nhật Bản và Trung Quốc.

TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng có thể cần trộn lẫn các phương án này để đóng góp, chịu đựng của nền kinh tế dàn ra và phải có 1 gói tổng thể để giải quyết vấn đề nợ xấu, phục hồi nền kinh tế.

Dù áp dụng bất cứ giải pháp nào trong số các giải pháp nêu trên thì cũng cần lưu ý rằng việc giải quyết nợ xấu không phải là một việc riêng của NHNN và hệ thống ngân hàng thương mại. Đây là việc liên quan đến toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi sự tham gia và trách nhiệm của toàn bộ các cơ quan nhà nước khác, bao gồm cả Chính phủ và Quốc hội, cùng với hệ thống doanh nghiệp nói chung...
Nguồn Theo DVO

UB Giám sát tài chính khuyến nghị điều chỉnh lãi suất

14:32 |

Cơ quan này nhận định nếu không có biện pháp hợp lý, tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ khoảng 5,6-5,7%.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa ra báo cáo về tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm và dự báo cả năm.

Báo cáo chỉ ra, kinh tế trong nước duy trì đà phục hồi tương đối tốt với tăng trưởng và sản xuất tiếp tục xu hướng cải thiện kể từ quý III/2013. Tính chung 7 tháng/2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2% so cùng kì năm trước (cùng kì năm trước tăng 5,2%).

Tuy nhiên, tổng cầu của nền kinh tế, nhất là cầu đầu tư còn thấp. Tổng cầu thấp cùng với chi phí sản xuất cao khiến cho doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp tư nhân, ảnh hưởng đến mức sinh lời của hệ thống TCTD.

Dựa trên phân tích yếu tố chu kì và mùa vụ của tăng trưởng, Ủy ban dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục đà phục hồi trong hai quý cuối năm.

Lạm phát cơ bản thấp cho thấy tổng cầu mặc dù cải thiện nhưng vẫn thấp. Ủy ban tính toán trong tháng 8 lạm phát cơ bản là 3,34 %, thấp hơn lạm phát tổng thể 4,31% và cũng thấp hơn lạm phát cơ bản của cùng kì năm ngoái là 4,43%.

Đối với với tiêu dùng, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn tăng cao hơn cùng kì năm 2013 nhưng mức cải thiện không lớn.

Trong khi đó, khối lượng vận chuyển hàng hóa trong 7 tháng đầu năm 2014 vẫn tăng thấp hơn so với cùng kì (4,8% so với 13,7%).

Đối với đầu tư, theo ước tính của Ủy ban, trong 6 tháng/2014, đầu tư tư nhân ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP cùng kì 2013. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 7 tháng đầu năm chỉ tăng 2,3% so cùng kì.

Do giữa tăng đầu tư tư nhân và tăng tín dụng có mối quan hệ chặt chẽ nên tín dụng tăng thấp có thể xem là nguyên nhân quan trọng khiến đầu tư tư nhân ở mức thấp.

Tăng trưởng tín dụng mặc dù có chuyển biến song vẫn thấp. Theo NHNN, tính đến 31/7, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,7%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2013 là 4,7%;

Tổng cầu thấp đang gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng 5,8%. UBGSTCQG dự báo nếu không có những biện pháp hỗ trợ tổng cầu có hiệu quả thì tăng trưởng trong năm 2014 khả năng chỉ trong khoảng 5,6 - 5,7%.

Ủy ban khuyến nghị, căn cứ vào diễn biến của lạm phát, điều chỉnh mặt bằng lãi suất sao cho vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp cắt giảm chi phí vốn vừa không làm suy giảm năng lực tài chính của các TCTD.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, cùng với việc sử dụng các quỹ hỗ trợ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu tín dụng của cả năm 2014; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng đối với khu vực tư nhân.
Nguồn Theo DVO

Giá vàng đi ngang, Vietcombank tăng mạnh giá USD

14:23 |

Trong khi tỷ giá tại hầu hết ngân hàng ổn định, giá USD bán ra tại Vietcombank bất ngờ tăng 40 đồng đầu tuần.
Lúc 8h14 sáng nay 8/9, giá vàng SJC tại TPHCM giao dịch ở 36,23 – 36,35 triệu đồng/lượng, sát mốc thấp nhất 3 tháng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng kỳ hạn trên Kitco đứng ở 1.266 USD/oz, giảm nhẹ so với cuối tuần trước. Nếu tính theo tỷ giá Vietcombank và không bao gồm thuế, phí, giá vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng 3,9 triệu đồng/lượng.



Giá vàng giảm trong bối cảnh nhu cầu trú ẩn vào vàng giảm. Lượng vàng nắm giữ của Quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR giảm 1,2% xuống 785,72 tấn trong tuần trước, mức giảm lớn nhất kể từ 2/5. Lượng vàng nắm giữ của quỹ ETP toàn cầu giảm 2,8% trong năm nay xuống 1.713,26 tấn tính đến 4/9.

Giá vàng đang hướng đến đợt giảm hàng quý đầu tiên trong năm nay trong bối cảnh kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng, làm tăng cơ hội cho Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ 2006.

Barclays Plc dự báo giá vàng sẽ giảm xuống 1.150 USD/ounce vào năm 2015 từ 1.260 USD/ounce trong năm nay. Kim loại quý này “tiếp tục dễ bị tổn thương” khi USD mạnh lên và kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng, nhà phân tích Suki Cooper và Christopher Louney cho biết hôm 5/9.

Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá tại hầu hết các ngân hàng sáng nay ổn định so với tuần trước. Riêng tại Vietcombank, tỷ giá bất ngờ tăng mạnh lên 21.180 – 21.260 ND/USD, tăng 10 đồng mua vào, 40 đồng bán ra.

Tỷ giá tại một loạt ngân hàng ổn định, trong đó tỷ giá tại Agribank là 21.155 – 21.220 VND/USD, tại ACB và Eximbank là 21.155 – 21.225 VND/USD.

Giá USD tại Techcombank duy trì ở 21.150 – 21.230 VND/USD, tại VietinBank là 21.160 – 21.220 VND/USD, tại BIDV là 21.175 – 21.225 VND/USD.
Nguồn Theo DVO

Đại diện IMF: VAMC là bước đi đúng hướng

14:22 |

Theo ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam, việc đưa VAMC vào hoạt động là một bước đi đúng hướng.
Trao đổi với phóng viên TBNH, ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam nhận định, tăng trưởng kinh tế đang dần cải thiện, được hỗ trợ bởi xuất khẩu và đầu tư FDI tăng mạnh trong khi các hoạt động trong nước vẫn còn khá yếu. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP vẫn dưới mức tiềm năng và nền kinh tế cũng phải chịu những tác động lan tỏa từ những cú sốc tiêu cực bên ngoài. Trong khi đó, các rủi ro trong nước vẫn còn, bao gồm cả những khó khăn của ngành ngân hàng (NH) và sự kém hiệu quả của một số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), gây trở ngại cho các hoạt động kinh tế. Nợ công và nợ do Chính phủ bảo lãnh đã tăng đến mức cần chú ý.

IMF có nhiều đánh giá về đóng góp tích cực của chính sách tiền tệ (CSTT) đến ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian qua. Đến nay, IMF còn giữ quan điểm này không và trong bối cảnh lạm phát hiện tại, nếu CSTT theo hướng nới lỏng liệu có phù hợp?

Chúng ta thấy trong gần 2 năm trở lại đây, lạm phát chung đã trở về mức một con số. Lạm phát cơ bản cũng đã giảm và áp lực tăng lương cũng không lớn... Với những diễn biến đó, ngành NH đã hạ lãi suất và thanh khoản trong hệ thống NH đang khá dồi dào. Do đó, lãi suất qua đêm liên NH ở mức thấp và lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng đã giảm. Tuy nhiên, các điều kiện về tiền tệ dễ dàng hơn nhưng lại không giúp tín dụng tăng lên. Tôi cho rằng, với những diễn biến và triển vọng hiện nay thì CSTT nới lỏng hiện tại là phù hợp. Trong thời gian tới, tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng như vậy có thể vẫn còn phù hợp, nếu các áp lực lạm phát chưa xuất hiện.

Đánh giá của ông về tiến độ xử lý nợ xấu (XLNX) hiện nay?

Như chúng ta thấy, năm ngoái Chính phủ đã tiến hành một số bước nhằm thúc đẩy cải cách khu vực NH, trong đó có việc đưa Công ty VAMC vào vận hành và những nỗ lực tái cơ cấu tại một số NHTM.

Việc đưa VAMC vào hoạt động là một bước đi đúng hướng. VAMC cũng đã mua nợ xấu từ các NH, nhưng tốc độ cần được đẩy mạnh thêm. Hơn nữa, quá trình giải quyết các khoản nợ xấu đang ở những bước đầu tiên. Để thúc đẩy nhanh tiến trình này, VAMC cần nhiều quyền hành hơn trong việc định đoạt tài sản thế chấp (TSTC) và các vướng mắc pháp lý liên quan đến xử lý TSTC trên thị trường mua bán nợ cần được khơi thông.

VAMC cũng cần phải tăng cường năng lực cán bộ và kỹ năng để XLNX trên thị trường mua bán nợ. Thị trường này cũng cần có đủ người mua, kẻ bán và có thể cần thêm sự tham gia và kinh nghiệm chuyên môn từ bên ngoài. Trong khi vẫn còn đó các rào cản pháp lý quan trọng trong chuyển giao các khoản cho vay và TSTC. Điều này khiến việc XLNX còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, ngay cả khi thanh khoản đã được cải thiện thì một số vấn đề mấu chốt vẫn còn đó. Chất lượng tài sản đang chịu áp lực do các hoạt động trong nước yếu, sự giảm mạnh của giá bất động sản trong những năm gần đây và lợi nhuận thấp. Việc thực hiện phân loại nợ chặt chẽ hơn đã được hoãn đến năm 2015, để các NH có thêm thời gian trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu bán cho VAMC.

Để thành công, cần có những cải cách giải quyết những vấn đề này và các phát sinh khác một cách toàn diện.


Vốn tín dụng tập trung hỗ trợ đầu tư cho các công trình kinh tế hạ tầng kỹ thuật để tạo sức lan tỏa cho xã hội

Theo ông, cải cách DNNN thời gian gần đây tiến triển thế nào và cần phải làm gì để thúc đẩy lộ trình này sớm đạt mục tiêu đặt ra?

Cải cách DNNN đang tiến triển chậm, kể cả việc thông qua kế hoạch tái cơ cấu, sửa đổi khung pháp lý, việc thoái vốn khỏi lĩnh vực không cốt lõi và vấn đề cổ phần hóa. Để cải thiện khuôn khổ pháp lý, Chính phủ đã ban hành quy định để tăng cường báo cáo tài chính và tính minh bạch của các DNNN; cải thiện công tác kiểm soát nội bộ thông qua việc làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và tăng cường quản trị DN. Để tạo điều kiện cho cổ phần hóa, các DNNN giờ đây có thể bán tài sản dưới giá trị sổ sách khi được Chính phủ chấp thuận và chúng ta thấy có một số DN đã tiến hành IPO thời gian qua.

Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn là một thách thức, một phần có thể do hạn chế về năng lực. Việc giám sát các DNNN của các cơ quan Chính phủ vẫn còn rời rạc, trong khi tập trung vào cổ phần hóa từng phần có nguy cơ sẽ làm chuyển hướng chú ý khỏi những cải cách hoạt động để nâng cao hiệu quả.

Thời gian tới, tôi cho rằng công bố thông tin tình hình tài chính của DNNN cần được tiến hành thường xuyên, kịp thời và dựa trên thông lệ kế toán quốc tế. Vấn đề tăng cường thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính cũng cần thúc đẩy vì sẽ giúp nâng cao hiệu quả cho các DNNN, đồng thời tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho khu vực tư nhân, đặc biệt nếu quá trình này đi kèm với áp dụng kinh nghiệm quản lý từ bên ngoài. Cùng với đó, năng lực ở các bộ khác nhau cũng cần được nâng cao hơn và cần ước tính chi phí tái cơ cấu để lượng hóa tác động tới ngân sách.

Xin cảm ơn ông!
Nguồn Thời báo Ngân hàng

2014 - Thời điểm thuận lợi cho phát hành trái phiếu quốc tế hoán đổi?

08:21 |

Kinh tế vĩ mô cải thiện, xếp hạng tín dụng tăng, CDS giảm... là những tiền đề thuận lợi để đợt phát hành trái phiếu quốc tế Việt Nam thuận lợi.
Ngày 4/9, Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2014 cho biết Chính phủ đã đồng ý thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết về việc phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để tổ chức thực hiện.

Như vậy, đây sẽ là lần thứ 3 trái phiếu quốc tế của Chính phủ được phát hành trên thị trường thế giới. Mục đích của lần phát hành này là để hoán đổi trái phiếu kỳ hạn 10 năm phát hành năm 2005 và 2010 của Chính phủ.

Lịch sử phát hành trái phiếu quốc tế Việt Nam

Tháng 10/2005, Chính phủ Việt Nam đã phát hành 750 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm trên thị trường chứng khoán New York. Khi đó, Tạp chí Tài chính quốc tế và các nhà đầu tư khu vực châu Á đã đánh giá đây là trái phiếu phát hành thành công nhất năm 2005.

Khối lượng đặt mua lên tới 4,5 tỷ USD, gấp 6 lần con số chào bán 750 triệu USD với lãi suất coupon là 6,875% và lãi suất thực tế 7,125%, thấp hơn mức lãi suất các nước tương đương như Philippines 8,09% và Indonesia 7,75% tại thời điểm đó.

Trong số trái phiếu phát hành, các quỹ đầu tư tài chính nắm 51%, ngân hàng nắm 25%, các công ty bảo hiểm nắm 17% và các tổ chức khác nắm 7% còn lại. Tính theo châu lục thì châu Á nắm 38%, châu Âu nắm 31% và châu Mỹ nắm 30%.

Lần phát hành trái phiếu quốc tế thứ hai diễn ra năm 2010 với 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 1 năm. Lãi suất coupon của trái phiếu này là 6,75%/năm, theo đó lợi suất là 6,95%, cao hơn mức lợi suất của Indonesia và Phillippines phát hành gần đó đến 1%/năm, mặc dù tại thời điểm đó định mức tín nhiệm của Việt Nam cao hơn cả Indonesia và Phillippines một bậc.

Trái phiếu phát hành năm 2010 được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore và đáo hạn vào ngày 29/1/2020. Khoản tiền huy động được từ đợt phát hành trái phiếu quốc tế năm 2010 được phân bổ 30% cho Vinashin và 70% dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Số tiền thu về từ đợt phát hành trái phiếu năm 2005 tương đương 6,8% thu ngân sách năm đó, trong khi năm 2010 là 1,5%.

Thời điểm tốt để Việt Nam phát hành trái phiếu hoán đổi?

2014 có thể xem là thời điểm thuận lợi để Việt Nam phát hành trái phiếu hoán đổi khi cuối tháng 7, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã lần đầu tiên nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam kể từ năm 2005 lên B1 với triển vọng ổn định.

Theo Moody's, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định năm thứ 3 liên tiếp. Mặc dù kể từ năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với thập kỷ trước, song tình hình kinh tế vẫn ổn định, thể hiện ở sự ổn định về giá cả. Tăng trưởng GDP thực tế từ 2012 đến giữa năm 2014 trung bình đạt 5,3%, thấp hơn so với mức 6,8% giai đoạn 2002 – 2011. Lạm phát cũng được kiểm soát dưới 7,5% trong 26 tháng liên tiếp tính đến tháng 7/204, thời kỳ dài nhất kể từ năm 2000.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 năm qua của Việt Nam chậm lại nhưng vẫn tương đối mạnh so với các nước có cùng xếp hạng, Moody's nhận định.

Hai hãng xếp hạng hàng đầu thế giới cũng đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. S&P xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức BB- cũng với triển vọng ổn định. Trong khi Fitch xếp Việt Nam ở mức B+ với triển vọng tích cực.


Nguồn: VPBS

Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Việt Nam cũng tiếp tục theo chiều hướng giảm nhờ các chỉ số vĩ mô tích cực gần đây. Mức phí bảo hiểm rủi ro của Việt Nam trong tuần kết thúc ngày 4/9 giảm, theo VPBS. Ngày 29/8, CDS giảm 10 điểm so với mức đóng cửa tuần trước đó và đạt 190,32 điểm.

CDS (Credit Default Swap) bản chất là một hợp đồng bảo hiểm rủi ro đối tác cho một công cụ tài chính, nghĩa là rủi ro khi nhà phát hành công cụ đó bị phá sản. CDS giảm chứng tỏ sức khỏe của tài sản được bảo hiểm đã tốt lên và khả năng vỡ nợ thấp xuống.

Một yếu tố khác có thể xem là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế trong năm nay là việc mức chênh lệch lãi suất trái phiếu bằng USD của Chính phủ Việt Nam với Trái phiếu Kho bạc Mỹ đang ở dưới 250 điểm cơ bản, thấp nhất kể từ 2008.

Nguồn: Gafin

Phương án phát hành trái phiếu hoán đổi

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Việt Nam có thể giảm bớt gánh nặng hoàn trả nợ trái phiếu quốc tế phát hành năm 2005 và 2010 bằng cách phát hành 750 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Trong đó, 450 triệu USD dùng để hoán đổi cho số trái phiếu đáo hạn năm 2016 và 300 triệu USD hoán đổi cho số trái phiếu đáo hạn năm 2020.

Như vậy, theo phương án này, số trái phiếu đến hạn năm 2016 còn lại 300 triệu USD, năm 2020 là 700 triệu USD và năm 2024 là 750 triệu USD.


Nguồn: WB

Chuyên gia của WB cho rằng, phương án hoán đổi này có lợi cho Việt Nam bởi việc kéo dài thời hạn trái phiếu quốc tế hiện nay chỉ gây khó khăn cho việc phân bổ ngân sách để trả nợ gốc vào năm 2016, trong khi tỷ lệ nợ công hiện giờ sẽ không chịu ảnh hưởng gì.

Đồng thời, phương án phát hành này cũng tạo ra một điểm chuẩn thấp mới cho đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ, khi gói nới lỏng định lượng của Mỹ đang dần kết thúc.

Mức lợi suất cho trái phiếu phát hành mới cũng được kỳ vọng thấp hơn mức lãi suất vay của các dự án được bảo lãnh vay nước ngoài (8%/năm). Theo TS. Lê Hồng Giang, một blogger kinh tế nổi tiếng, với lợi suất trái phiếu bằng USD của Việt Nam khoảng 6,75% hiện nay, Chính phủ Việt Nam sẽ có lợi cả về dòng tiền lẫn lợi suất khi đảo nợ cho số trái phiếu phát hành năm 2005 có lợi suất 7,125% sắp đáo hạn.

Việc phát hành trái phiếu hoán đổi này theo WB cũng sẽ tăng cơ hội nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam bởi động thái quản lý nợ chủ động. Cũng như mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường vốn với chi phí thấp hơn.
Nguồn Theo DVO

15 ngày mới được điều chỉnh giá xăng dầu

07:17 |

Bộ Công Thương vừa chính thức trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, dự thảo quy định tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày/lần thay vì 10 ngày/lần như Nghị định 84; giá cơ sở được tính toán trên cơ sở bình quân giá thế giới 15 ngày thay vì bình quân giá thế giới 30 ngày như cách tính cũ.

Về biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, theo Dự thảo Nghị định, khi giá cơ sở tăng dưới 3% doanh nghiệp được tự điều chỉnh giá; tăng từ 3-7% doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn và được tăng hoặc giảm giá bán lẻ; tăng từ 7% trở lên sẽ do Chính phủ quyết định (thay vì các biên độ từ 7% trở xuống, trên 7-12%, trên 12% như Nghị định 84). Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng cho phép thương nhân thực hiện giảm giá bán lẻ ngay khi giá cơ sở giảm, không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm.

Dự thảo Nghị định đã quy định rõ nguyên tắc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ Bình ổn giá được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.
Nguồn Dân Việt

PMI của Việt Nam giảm tháng thứ 4 liên tiếp

13:59 |

Sản xuất tiếp tục được mở rộng trong tháng 8/2014 khi PMI đạt hơn 50 điểm nhưng điều kiện kinh doanh cải thiện yếu nhất kể từ tháng 11/2013.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam do HSBC và Markit Economics khảo sát giảm tháng thứ 4 liên tiếp, từ mức 51,7 điểm trong tháng 7/2014 xuống còn 50,3 điểm trong tháng 8/2014.

Nguồn: HSBC, Markit Watch
Nguồn: HSBC, Markit


Tốc độ tăng sản lượng ngành sản xuất tiếp tục chậm lại trong tháng 8 và là chậm nhất trong thời kỳ tăng trưởng kéo dài 11 tháng vừa qua.

Nguyên nhân làm cho sản lượng tăng yếu là số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm lần đầu tiên trong 9 tháng nhưng mức độ giảm là nhỏ. Những người trả lời khảo sát báo cáo giảm lượng công việc mới cho biết nhu cầu khách hàng đã giảm. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 5 tháng.

Số lượng đơn đặt hàng mới giảm làm cho lượng công việc tồn đọng giảm trong suốt 4 tháng qua, mặc dù mức độ giảm chỉ là nhỏ. Công việc mới giảm đi cũng đã ảnh hưởng tới mức tồn kho hàng thành phẩm và mức tồn kho này đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 13 tháng. Một số thành viên nhóm khảo sát cũng đã coi sự chậm trễ trong hoạt động giao hàng là nguyên nhân dẫn đến tăng hàng tồn kho.

Thời gian giao hàng của người bán hàng tiếp tục bị kéo dài thêm trong tháng 8 khi quy định hạn chế tải trọng xe làm chậm hoạt động giao hàng. Thời gian giao hàng kéo dài trong suốt 6 tháng, với mức độ tương đương với mức độ được ghi nhận trong tháng 7.

Chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh và chi phí vận chuyển tăng lên do quy định hạn chế tải trọng xe và chi phí nhiên liệu cao. Tuy nhiên, mức tăng giá đầu vào là chậm nhất kể từ tháng 4. Việc chuyển gánh nặng chi phí sang cho khách hàng làm cho giá cả đầu ra của các công ty sản xuất Việt Nam tăng 3 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá chỉ là nhẹ.

Tình trạng nhân sự trong lĩnh vực sản xuất nhìn chung không thay đổi trong tháng 8. Một số công ty được khảo sát đã tuyển thêm nhân viên để đáp ứng nhu cầu sản xuất gia tăng, nhưng những doanh nghiệp khác lại cho biết có tình trạng nhân viên nghỉ việc, đôi khi là để tìm kiếm mức lương cao hơn ở nơi khác.

Mặc dù hoạt động mua hàng tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng nhẹ và là yếu nhất trong thời kỳ tăng kéo dài suốt 1 năm vừa qua. Một số doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã giảm hoạt động mua hàng vì nhu cầu khách hàng giảm. Tốc độ tăng hoạt động mua hàng hóa đầu vào chậm hơn dẫn đến hàng tồn kho trước sản xuất đã giảm nhẹ, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài hai tháng.

Bình luận về chỉ số PMI của Việt Nam tháng 8/2014, Trinh Nguyen - Chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC nói: "Hoạt động sản xuất dự kiến chậm lại khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm do các điều kiện kinh doanh yếu kém ở trong và ngoài nước. Tình trạng tăng hàng tồn kho và giảm số lượng đơn đặt hàng mới cho thấy sản lượng sẽ vẫn bị kìm hãm trong những tháng tới. Chúng tôi kỳ vọng sản lượng sẽ bật tăng trở lại vào quý 4 khi nhu cầu tăng lên".
Nguồn Theo DVO

Những chính sách mới có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2014

08:53 |

Doanh nghiệp sẽ giảm được hơn 200 giờ khai, tính thuế; Không nhập khẩu máy móc cũ đã sử dụng quá 5 năm; Bán bảo hiểm qua ngân hàng…
Doanh nghiệp sẽ giảm được hơn 200 giờ khai, tính thuế

Đây là một trong nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung quy định để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế. Theo đó, Thông tư đã bỏ quy định khai và tính thuế GTGT đối với hàng hóa, bán sản phẩm tiếp tục quá trình SXKD; Bỏ quy định khai và tính thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu bị trả lại phải nhập khẩu trở lại.

Bên cạnh đó, Thông tư 119 còn bỏ mức 1 tỷ đồng về điều kiện tài sản, máy móc, thiết bị đầu tư, mua sắm đối với DN mới thành lập để đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế. Bỏ điều kiện hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong điều kiện hồ sơ, thủ tục hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (cơ sở kinh doanh sử dụng ngay hóa đơn thương mại trong hồ sơ hải quan)...

Thực hiện những quy định này, doanh nghiệp sẽ giảm được 201,5 giờ khai, tính thuế. Quy định trên có hiệu lực từ ngày 1-9-2014

Không nhập khẩu máy móc cũ đã sử dụng quá 5 năm

Đây là một trong quy định đáng chú ý của Thông tư 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có hiệu lực. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1-9, nhiều loại máy móc cũ nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được siết chặt hơn nữa. Cụ thể, các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 3 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên, bao gồm: máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; máy móc, thiết bị sử dụng trong ngành bia, rượu, nước giải khát có cồn và không cồn....

Quy định chung đối với các máy móc được phép nhập khẩu nếu có thời gian sử dụng không quá 5 năm và có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.

Hà Nội ban hành mức thu lệ phí địa chính mới

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 60/2014/QĐ-UBND về việc thu lệ phí địa chính trên địa bàn thành phố. Theo đó từ ngày 1-9-2014 miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn.

Tuy nhiên, trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và các phường nội thành thuộc thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh được cấp giấy chứng nhận ở nông thôn thì không được miễn lệ phí.

Ngoài ra, Quyết định cũng quy định, trong năm 2014, đơn vị được thu phí phải nộp ngân sách 90%, được giữ lại 10% tổng số lệ phí thu được. Kể từ 1-1-2015 đơn phị thu phí phải nộp ngân sách nhà nước 100% số lệ phí thu được, các chi phí liên quan đến công tác thu phí sẽ được cấp theo dự toán được duyệt hàng năm.

Từ 1/9, Thông tư bán bảo hiểm qua ngân hàng có hiệu lực

Từ ngày 1/9/2014, Thông tư liên tịch số 84/2014/TTLT-BTC-NHNNVN của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, trong vai trò là đại lý, ngân hàng sẽ thực hiện các hoạt động giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thực hiện tư vấn; chào bán bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; thu phí bảo hiểm (thu hộ các khoản phí bảo hiểm từ khách hàng và chuyển lại cho DNBH theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm); thu xếp giải quyết trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các hoạt động, nghĩa vụ khác.

Về nguyên tắc, hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng không được đồng thời làm đại lý cho DNBH khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của DNBH mà mình đang làm đại lý; không được tác động để khách hàng mua bảo hiểm cung cấp sai lệch hoặc không cung cấp các thông tin cần thiết cho DNBH nhân thọ; không được xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực dưới mọi hình thức.

Nhân viên ngân hàng trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm được quản lý theo hệ thống đại lý bảo hiểm chung của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

Nguồn Infonet

Thủ tướng: Cần thiết thì sáp nhập, giải thể ngân hàng yếu kém

07:52 |

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu triển khai với tinh thần dứt khoát, dứt điểm trong việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém gắn với giải quyết nợ xấu.
Trong hai ngày 27 và 28/8/2014, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2014.

Phát biểu gợi ý thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, 8 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đồng đều trên các mặt; nền tảng kinh tế vĩ mô ngày một ổn định vững chắc; tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, dự báo cả năm tăng trưởng 5,8%. Trong 14 chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2014, dự kiến có 12 chỉ tiêu đạt và vượt.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực phấn đấu để đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, tạo nền tảng cho tăng trưởng cao hơn trong năm 2015 và những năm sau. “Trong 4 tháng còn lại của năm 2014, tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết 01 của Chính phủ” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ tập trung thảo luận vào 4 nội dung chủ yếu, trước hết là tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trong cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm là 5,8%.

Trong nhiều giải pháp tháo gỡ, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận giải pháp tăng tổng cầu của nền kinh tế, trong đó chú ý vào việc tăng dư nợ tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, giải quyết nợ xấu; tăng giải ngân đầu tư và chống hàng giả, hàng lậu để bảo vệ và thúc đẩy cho sản xuất trong nước.

Nhóm giải pháp thứ 2 mà Thủ tướng yêu cầu thảo luận là tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu nông nghiệp. Về tái cơ cấu đầu tư công, Thủ tướng cho biết đã có một bước tiến dài song cần tiếp tục thúc đẩy để đầu tư công thực sự hiệu quả, khắc phục dàn trải, chống thất thoát, lãng phí.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu một tinh thần quyết liệt, cụ thể, chặt chẽ trong chỉ đạo của các Bộ trưởng. “Không chấp nhận doanh nghiệp nhà nước là kém hiệu quả, là thua lỗ, là tiêu cực” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về tái cơ cấu ngân hàng thương mại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu triển khai với tinh thần dứt khoát, dứt điểm trong việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém gắn với giải quyết nợ xấu. “Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu ngân hàng vì an toàn của hệ thống, vì lợi ích của người dân. Dứt khoát các ngân hàng yếu kém phải kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật” – Thủ tướng phát biểu.

Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận các giải pháp, biện pháp nhằm đạt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP cao hơn năm 2014, khoảng 6,0-6,2% theo tính toán và đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nguồn Theo DVO/Chinhphu.vn

Vinpearl mua lại số cổ phần trị giá 85 tỷ đồng của cảng Nha Trang

07:38 |

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa thống nhất việc Công ty cổ phần Vinpearl thuộc Tập đoàn Vingroup mua lại số cổ phần trị giá 85 tỷ đồng của cảng Nha Trang.
Khoản tiền này tương ứng với giá trị đầu tư của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho cảng Nha Trang lâu nay và đáp ứng cho công tác tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam hiện nay.

Tại thời điểm này, Công ty cổ phần Vinpearl đang phối hợp với Công ty cổ phần cảng Nha Trang xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển cảng Nha Trang theo hướng chuyển công năng từ cảng tổng hợp hàng hóa sang cảng chuyên phục vụ du lịch theo quy hoạch được duyệt.

Đầu năm nay, qua thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, Công ty cổ phần cảng Nha Trang xác định giá trị của cảng trên 245 tỷ đồng.

Ngoài việc bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn tại Công ty hơn 2,3% vốn điều lệ, số cổ phần bán đấu giá công khai chiếm hơn 22,6% vốn điều lệ đã không hấp dẫn các nhà đầu tư bên ngoài, do lâu nay cảng hoạt động kém hiệu quả.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được Văn phòng Chính phủ truyền đạt tại thông báo số 154/TB-VPCP ngày 11/4/2014, cảng Nha Trang được chuyển giao từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam về cho tỉnh Khánh Hòa quản lý, khai thác nhằm phục vụ lâu dài cho ngành du lịch địa phương.
Nguồn Vietnam+

Chính phủ trực tiếp ban hành danh mục kinh doanh có điều kiện

08:45 |

Đây là yêu cầu vừa được Thủ tướng đưa ra ngày 25/8, khi chỉ đạo rà soát các danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và cấm đầu tư.
Trước đó, theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, chỉ có Luật và Nghị định của Chính phủ mới được quy định về danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát, Bộ phát hiện còn hơn 200 thông tư, quyết định do các cơ quan ban hành vẫn khống chế điều kiện nêu trên.

Cụ thể, còn khoảng 400 ngành nghề thuộc danh mục này, trong khi số liệu điều kiện có thể lên đến hàng nghìn, vì mỗi ngành lại có thể có từ 10-20 vấn đề cần đáp ứng. Trong số này, không ít được áp đặt chủ quan, hoàn toàn không có căn cứ khoa học nào.

Căn cứ kết quả trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan quản lý nhà nước chủ động rà soát, đánh giá lại các yêu cầu quản lý, hoàn thiện theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu hội nhập về đầu tư, thương mại quốc tế. Phải cắt giảm những ngành nghề có điều kiện, các điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết, gắn với đơn giản hóa các thủ tục hành chính

Các bộ liên quan phải hoàn thiện các danh mục ngành nghề trên, báo cáo Thủ tướng để chỉnh lý, bổ sung vào dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ VIII khai mạc vào tháng sau.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng được yêu cầu phải phối hợp với các bộ rà soát, hoàn thiện danh mục này theo hướng ưu đãi theo ngành, nghề, địa bàn có trọng tâm, trọng điểm; không áp dụng ưu đãi đầu tư theo địa bàn đối với các dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên, dự án đầu tư, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cuối tuần trước cơ quan này vừa thành lập tổ công tác với gần 50 thành viên do Thứ trưởng Đặng Huy Đông đứng đầu để tiếp tục cùng các bộ tranh luận về việc xây dựng tính hợp lý cho danh mục nêu trên.
Nguồn VnExpress

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào ngoại tệ

16:32 |
Ngân hàng Nhà nước đã trở lại mua vào ngoại tệ, sau những diễn biến của lãi suất và tỷ giá USD/VND những ngày gần đây.

EU tăng tài trợ ODA cho Việt Nam thêm 30% trong 5 năm tới

09:54 |

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị EU sớm phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam-EU, sớm kết thúc đàm phán FTA.

Chiều 12/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp bà Catherine Ashton, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm chính thức Việt Nam và kết quả cuộc hội đàm giữa bà Catherine Ashton và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng về quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và EU đang tiến triển tốt đẹp, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với EU và các nước thành viên, mong muốn cùng EU nỗ lực tăng cường quan hệ giữa hai bên ngày càng thiết thực và hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chuyến thăm Việt Nam của bà Catherine Ashton lần này và của Chủ tịch EC Manuel Barroso sắp tới sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị EU sớm phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam-EU; ủng hộ sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam-EU.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng rằng với tiềm năng hợp tác còn rất lớn, việc hoàn tất và phê chuẩn PCA và FTA sẽ tạo ra một bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cảm ơn và mong muốn EU tiếp tục ủng hộ ODA cho Việt Nam và sớm công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Tại buổi tiếp, bà Catherine Ashton cho biết chuyến thăm của bà tới Việt Nam và chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch EC Manuel Barroso cũng như các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa hai bên là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa EU và Việt Nam, đồng thời thể hiện mong muốn của EU trong việc thắt chặt hơn nữa quan hệ với Việt Nam.

Bà Catherine Ashton cũng chính thức thông báo EU đã quyết định tăng tài trợ ODA thêm 30% so với giai đoạn trước cho Việt Nam trong 5 năm tới và cho biết, quyết định này trong bối cảnh EU đang gặp khó khăn đã chứng minh niềm tự hào của EU trong quá trình hợp tác với Việt Nam cũng như mong muốn đồng hành với Việt Nam trên con đường phát triển.

Bà Catherine Ashton cũng cho rằng phía EU đang nỗ lực và mong muốn thúc đẩy trong thời gian sớm nhất có thể để phê chuẩn PCA cũng như kết thúc đàm phán FTA với Việt Nam; đồng thời cho biết hai bên sẽ tích cực làm việc nhằm đảm bảo Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để EU sớm trao Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Về vấn đề Biển Đông, bà Catherine Ashton cho rằng đầy là vấn đề hết sức quan trọng và cũng là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa diễn ra tại Myanmar.

Bà Catherine Ashton nêu rõ EU hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp quốc tế. Hy vọng nỗ lực của ASEAN để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Bà Catherine Ashton cho biết trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, bà cũng đã nêu rõ rằng bất cứ xung đột, tranh chấp nào trên Biển Đông đều phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Bà cũng chia sẻ quan điểm rằng hành động đòi hỏi chủ quyền theo yêu sách " đường lưỡi bò" phi lý chiếm hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc là nguyên nhân gốc rễ và lớn nhất đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông và trong khu vực./.
Nguồn Vietnam+

Lãi suất có thể giảm tiếp

08:18 |
Lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm nhanh hơn lãi suất cho vay.

Cứ mua nhà dưới 1.05 tỷ là được vay lãi suất ưu đãi 5%/năm

08:27 |
Nghị quyết 02 điều chỉnh, bổ sung sẽ không quy định bắt buộc người mua nhà dưới 15 triệu đồng/m2 và diện tích dưới 70m2 mới được vay vốn ưu đãi gói 30.000 tỷ.

Cung cấp thông tin Tài chính, Kinh tế. Phân tích, Nhận định, Chiến lược giao dịch các phiên. Môi giới đầu tư, Mở tài khoản giao dịch Vàng, Forex